Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Nguyễn Quang Hà: VỀ TẤM BIA THỜI TÙY (601) MỚI PHÁT HIỆN


VỀ TẤM BIA THỜI TÙY (601) MỚI PHÁT HIỆN Ở CHÙA GIÀN – HUỆ TRẠCH TỰ
(XÃ TRÍ QUẢ, HUYỆN THUẬN THÀNH, TỈNH BẮC NINH)

Nguyễn Quang Hà[1]

Chùa xã Trí Quả (Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tên chữ là “Huệ Trạch tự”, hay còn có tên Nôm là chùa Giàn - Một trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Lôi, Pháp Vũ) trong tín ngưỡng thờ tự ở vùng Dâu. Hiện nay  các vị trong làng kể lại về lai lịch của chùa: Vào thời Trần, con trai của Đức vua Trần Hưng Đạo là Trần Hồng khi đánh giặc Mông Nguyên được Phật độ cho nên đã đánh thắng giặc do đó ban cho tên chùa là “Huệ Trạch tự) (惠澤寺). Chùa trước đây có gác chuông cổ nhưng đã bị phá đi để làm cầu. Trong chùa còn một chiếc chuông đồng niên đại thời Lê, trên 4 núm có khắc “Huệ Trạch tự chung” (惠澤寺鍾). Ngoài sân, trước tòa Tam bảo hiện còn tấm bia 4 mặt, mặt chính trên trán bia ghi: “Huệ Trạch tự”(惠澤寺), mặt thứ tư phần niên đại ghi: Chính Hòa nhị thập niên (1700) nội dung về việc cúng tiền xây gác chuông và cúng ruộng vào chùa. Ở gian phải của tòa Tam bảo còn một cây hương, trên đó có khắc tên người cung tiến. Chùa còn giữ được hai sắc phong. Đạo sắc thứ nhất phần niên đại ghi 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924). Nội dung ban tặng: (…)“Diệu Cảm Nhiên Phù, Chương Hiển Đôn Ngưng, Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Linh Ứng Tôn Thần”(耀感然孚章顯敦凝翊保中興城皇靈應尊神). Sắc thứ 2 cũng có cùng ngày tháng năm với Đạo sắc trên với đối tượng được ban là: (…) “Phụng sự Đại Thánh Pháp Thông Vương Phật tôn thần”.(奉事大聖法通王佛尊神). Như vậy, Đạo sắc thứ nhất là sắc cho Thành hoàng được thờ ở Đình làng, đạo sắc thứ hai chính là đạo sắc thờ ở chùa. Theo truyền thuyết thì tên gọi “Chùa Huệ Trạch” có từ thời Trần. Tư liệu trên các văn bản, bi ký, minh văn hiện nay chúng ta được biết thì tên gọi “Huệ Trạch tự” sớm nhất qua tấm bia đá 4 mặt niên đại Chính Hòa 20 (1700). Nhưng trước đó chùa có tên là gì (?). Chưa có tư liệu nào giải đáp điều đó.
           
Năm 2004, gia đình ông Nguyễn Văn Đức (Nhà bên cạnh chùa Huệ Trạch) khi đào đất làm lò gạch đã phát hiện được một tấm bia đá cổ. Vì không biết giá trị tấm bia như thế nào nên gia đình đã giữ tấm bia này để ở trong nhà cho đến tháng 8/2012 mới được cán bộ Bảo tàng của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Bắc Ninh xin phép gia đình, nhà chùa cùng chính quyền địa phương chuyển về Bảo tàng tỉnh nghiên cứu. Thật may mắn, khi về chùa Huệ Trạch, chúng tôi cũng có được bản dập thác bản của tấm bia này do ông Nguyễn Đình Nhân (Kỹ sư Nông nghiệp về hưu) - Người cùng thôn Xuân Quan, xã Trí Quả tiến hành in dập trước đó (1). Bia được để trong hộp có mái che nên rất rõ nét, chữ khắc đậm, sâu, còn nguyên vẹn. Lòng bia có kích thước 40 x 40 cm, 13 dòng, trung bình mỗi dòng khoảng hơn 10 chữ, tổng số chữ trên bia là 133 chữ. Dưới đây là toàn bộ nội dung văn bia chữ Hán và phần phiên âm, dịch nghĩa như sau:

Nguyên văn chứ Hán:

舍利塔銘
维大陏仁壽元年歲次辛酉十月辛亥朔十五日乙丑
皇帝普為一协法界幽顯生靈謹於交州龍編縣禪衆寺奉安舍利敬造靈塔願太祖武元皇帝元明皇后皇帝皇后皇太子諸王子孫等并内外羣官爰民庶六道三塗人非人等生生世世值佛聞法永离苦空同昇妙果
勅使大德慧雅法師吏部羽騎慰姜微 送舍利於此造塔.

Phiên âm:
Xá lợi tháp minh
Duy Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên, tuế thứ Tân dậu, thập nguyệt, Tân hợi sóc, thập ngũ nhật, Ất sửu.
Hoàng đế phổ vi nhất, hiệp pháp giới u hiển sinh linh. Cẩn ư Giao Châu, Long Biên huyện, Thiền Chúng tự, phụng an xá lợi, kính tạo linh tháp nguyện. Thái tổ Vũ nguyên Hoàng đế, Nguyên minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử chư vương, tử tôn đẳng tịnh nội ngoại, quần quan viên cập dân thứ, Lục đạo, Tam đồ nhân phi nhân đẳng, sinh sinh thế thế trực Phật văn pháp vĩnh ly khổ, không đồng thăng diệu quả.
Sắc sử Đại đức Tuệ Nhã pháp sư. Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi tống xá lỵ ư thử, tạo tháp.

Dịch nghĩa:
Bài minh bia tháp xá lợi
Ngày Ất sửu (Ngày 15) tháng Tân hợi (Tháng 10) năm Tân Dậu niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên thời Đại Tùy (601).
Hoàng đế cẩn trọng mở dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi kiếp sinh linh. Kính phụng xá lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. Theo ước nguyện của Thái tổ Vũ nguyên Hoàng đế, Nguyên minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử cùng các chư vương, con cháu nội ngoại, các quan viên cho đến thứ dân, Lục đạo, Tam đồ trên cõi đời cùng sống thuận theo lời dạy của đức Phật, nghe được văn pháp mãi mãi ly rời khổ đau, trầm luân, được nhẹ nhàng lên chốn diệu quả.
Sắc sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư. Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi đem xá lỵ tạo tháp ở đây).

Trên đây, chúng ta gặp phải tên địa danh như: Chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. Bài minh bia này được dựng cách ngày nay đã vừa đúng 1412 năm có những khái niệm, thuật ngữ Phật giáo. Điều khẳng định trước tiên: Đây là tấm bia sớm nhất mà ngày nay chúng ta phát hiện được. Trước đó, chúng ta đã biết đến tấm bia: “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo an đạo tràng chi bi văn”(大陏九真郡寶安道場之碑文)do Nguyên Nhân Khí soạn năm Tùy Đại Nghiệp 14 (618)(2).

- Về tên gọi chùa Thiền Chúng: Phần ghi về chùa Thiền Chúng (禪衆寺) trong sách “Thiền uyển Tập anh” được biên tập trong phần“Bảy đoạn văn đối thoại trong giới Thiền học Việt Nam” phần viết về La Quý An, Thiền Ông trong bài “Trực minh vương tắc xuất” (直明王則出) (Gặp vua sáng thì ra)có đoạn:“長老羅貴安真人,姓丁氏早嵗遊方,徧参襌匠,歷年滋久,不契法缘,將有退志.後聞禪衆通善會下一語,心地開豁乃復事焉.善將圓寂,謂曰:昔吾師定公嘗囑云:“汝持吾法,丁人則傳”.汝其當之,吾今逝矣 (Trưởng Lão La Quý An chân nhân, họ Đinh. Hồi còn nhỏ tuổi, đã đi khắp đó đây, tầm sư học đạo, nhưng qua nhiều năm mà không gặp cơ duyên, có phần nhụt chí. Sau khi nghe được một câu nói của Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng nhân một ngày hội mà lòng bừng sáng, bèn xin thờ Thông Thiện làm thầy. Khi Thiện sắp viên tịch, có nói với nhà sư rằng: Xưa thầy ta là Định Không từng dặn: “Ngươi gắng giữ lấy phép của ta, gặp người họ Đinh thì truyền”. Nay người hãy nhận lấy, ta đi đây”.

Đoạn truyện trên, đã thuật lại cơ duyên giữa La Quý An với nhà sư Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng (禪衆). Nhờ câu nói của Thông Thiện mà La Quý An bừng sáng được Đạo và từ đó ông tôn Thông Thiện làm thầy(3). Sư Thông Thiện là học trò của Định Không. Theo mục truyện thiền sư Định Không (?- 808) lại cho biết thiền sư người hương Cổ Pháp, tu ở chùa Thiền Chúng (hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (…) ông là người am hiểu sâu sắc vận số thế cuộc, khi xảy ra việc gì người trong hương thường suy tôn phục tùng, ai nấy đều tôn gọi ông là Trưởng lão”(4). Nhưng người trực tiếp và trụ trì trước Thiền sư Định Không là ai cho đến nay vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng trước nhà sư Định Không gần 200 năm có nhà sư Pháp Hiền (?- 626), họ Đỗ, người huyện Chu Diên trụ trì chùa Thiền Chúng (5).

Qua các đoạn ghi về tiểu truyện các vị thiền sư phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), chúng tôi thử lập phả hệ (không đầy đủ) các vị thiền sư đã từng trụ trì chùa có tên gọi Thiền Chúng để dễ hình dung qua bảng thống kê như sau:

TT
Tên Thiền sư
Năm sinh, năm mất
Trụ trì chùa
Giải thích địa danh thuộc
Ghi chú
1
 PhápHiền(法賢)
(?- 626)
Thiền Chúng (禪衆)
Núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du
TUTA, tr 169, 170.Có lẽ ghi nhầm thành “ChúngThiền” (衆禪)
2
ĐịnhKhông(定空)
(?- 808)
ThiềnChúng
(禪衆)
Hương Dịch Bảng
TUTA,đd, tr 174
3
ThôngThiện(通善)
(?- ?)
Thiền Chúng
(禪衆)

TUTA,đd, tr 177(Thông Thiện là học trò của Định Không)
4
ThiềnNham(禪巖)
(1093- 1163)
Chùa Trí Quả (置果寺)
Hương Cổ Châu, huyện Long Biên
TUTA,đd, tr 212:“Thiền sư người Cổ Châu, họ Khương, húy Thông, tu hành ở chùa Thiên Phúc núi Tiên Du…sau trở về bản hương trùng tu chùa Trí Quả).

Qua bảng thống kê, chúng ta thấy được tên gọi chùa (Thiền Chúng) ghi về các vị Thiền sư sống ở thế kỷ VII - IX trong sách Thiền uyển tập anh. Nhưng phần địa danh lại viết khác nhau: Mục Thiền sư Pháp Hiền (?- 626) ghi: Chùa Thiền Chúng ở núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du; Mục thiền sư Định Không(?- 808) lại ghi: Chùa Thiền Chúng, hương  Dịch Bảng. Về nhà sư Thông Thiện (? - ?) không rõ năm sinh, năm mất nhưng sách viết rõ là học trò của Định Không thì ta cũng có thể ước đoán ông sinh vào khoảng cuối thế kỷ VIII và mất vào khoảng đầu thế kỷ IX. Địa danh núi Thiên Phúc (huyện Tiên Du) và hương Dịch Bảng đã đề cập ở trên khác xa về vị trí địa lý với vị trí tấm bia được ghi về “chùa Thiền Chúng” (Phát hiện tại chùa Trí Quả) năm 2004. Sự không nhất quán về việc chú thích tên gọi, có khi lấy tên hương, tên núi hoặc tên huyện  thường thấy trong các tư liệu thư tịch cổ. Nhưng ở trên, tôi nghĩ đều chỉ một chùa. Nhưng có lẽ có sự nhẫm lẫn. Ta hãy chú ý đến phần chú thích về mục Thiền sư Thiền Nham (1093- 1163) ghi về nhà sư chùa Trí Quả như sau:“Thiền sư người Cổ Châu, họ Khương, húy Thông, tu hành ở chùa Thiên Phúc núi Tiên Du…sau trở về bản hương trùng tu chùa Trí Quả) (6). Qua ghi chép về Thiền sư Thiền Nham, ta biết được mối quan hệ về thiền phái và tiểu sử, mối quan hệ giữa chùa Thiên Phúc (núi Tiên Du) và chùa Trí Quả - bản hương (quê gốc) của ông. Hiện nay chúng ta chưa biết ở núi Thiên Phúc, hương Dịch Bảng hoặc huyện Tiên Du có chùa Thiền Chúng không?. Nhưng  tại chùa Trí Quả đã phát hiện được tấm bia thời Tùy có ghi bài minh tháp xá lỵ chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. So sánh những đoạn viết về chùa Thiền Chúng thời Tùy - Đường trong Thiền uyển tập anh với bài minh tháp xá lỵ trên đã khiến tôi không ít phân vân: Vậy có một hay có mấy chùa Thiền Chúng và có phải chùa Huệ Trạch đúng là tên gọi sau này của Chùa Thiền Chúng thời Tùy hay không?. Hơn 1400 năm đã trôi qua, vật đổi sao rời, tư liệu, thư tịch không ghi trực tiếp về lịch sử chùa Huệ Trạch khi đó, nhưng qua tấm bia phát hiện bên cạnh chùa đã giúp cho chúng liên tưởng và có thể đi xa hơn dự đoán rằng rất có thể chùa Thiền Chúng là tên gọi khác của chùa Huệ Trạch và chùa Trí Quả sau này.

-   Trở lại địa danh huyện Long Biên:

Trong tác phẩm “Đất nước Việt Nam qua các đời”, GS. Đào Duy Anh đã khảo cứu công phu về địa danh Giao Châu (交州).Bên cạnh đó, địa danh huyện Long Biên còn nhiều tư liệu chưa thống nhất. Địa danh này được nhắc đến nhiều lần trong các thư tịch cổ thời Bắc thuộc. Tư liệu được nhắc đến có niên đại gần với tấm bia vừa phát hiện ở chùa Thiền Chúng (Chùa Huệ Trạch) đã nhắc đến ở trên là những chi tiết viết về cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần. Tên gọi “Long Biên” đã được sách Tư trị thông giám bổ (資治通鑑補) do Tư Mã Quang đời Tống biên tập, Hồ Tam Tỉnh (đời Nguyên, chú âm), đến đời Minh được Nghiên Diên và Đoàn Doãn Hậu đời Minh bổ sung và hiệu đính, ghi như sau:“Tuần thần chí Long Biên nam tân”(循辰至龍編津) (nghĩa là: (Lư) Tuần buổi sớm đến bờ phía nam Long Biên) (7) chua thêm:“Giao Chỉ quận, Long Biên huyện, châu quận giai trị yên” (郊址郡龍編縣州郡皆治焉).(Quận Giao Chỉ, huyện Long Biên, đều đóng trị sở ở đó). Trong sách “Thủy kinh chú” ghi rõ hơn: “Kiến An, nhị thập tam niên lập châu chi thủy, giao long bàn biên ư thủy nam, bắc nhị tân cố cải Long Uyên vi Long Biên (建安二十三年立州之始蛟龍蟠边於水南北二津故改龍淵为龍編). (nghĩa là: Kiến An năm thứ 23(Đời Hán Hiến Đế (218) - Tg) bắt đầu lập châu, giao long chầu hai bên bờ phía nam, bắc nên đổi Long Uyên thành Long Biên (8). Sách Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm (御批歷代通鑑集覽) biên soạn đời Càn Long bổ sung đoạn viết về Lư Tuần (9) và địa danh Long Biên như sau: “Tuần lũ bại, toại bôn Giao Châu chí Long Biên”(Chú: Hậu Hán Thư, Quận Quốc chí, Giao Chỉ trị Long Biên. Thủy Kinh chú, lập châu chi thủy, giao long bàn biên vu thủy nam, bắc nhị tân, cố danh”(循婁敗遂奔交州至龍編(:後漢書郡國誌交址治龍編水經注立州之始蛟龍蟠边于水南北二津故名)). (Lư) Tuần mấy lần bị đánh bại, bèn chạy sang Giao Châu đến Long Biên (chú: Hậu Hán thư, phần Quận quốc chí ghi: Giao Chỉ lấy Long Biên làm sở trị. Thủy kinh chú (ghi): Ban đầu lập châu, giao long chầu hai bên bờ nam, bờ bắc của sông, nên đặt tên gọi). Cả hai sách Thủy Kinh Chú (水經注) và Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm đều giải thích việc đổi tên gọi“Long Uyên”(giao long ở vực/sông sâu) thành “Long Biên”(giao long ở bên vực/sông) dựa theo hiện tượng cảnh quan môi trường mà định tên gọi. Cách đặt tên gọi trên gọi là từ nguyên học dân gian. Tuy nhiên, hai cuốn sách trên lại không cho biết cụ thể việc đổi tên đó được tiến hành vào thời gian nào và do ai đổi?. Theo sự khảo cứu của học giả Trần Văn Giáp thì sách: Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm có thể sẽ cho cho chúng ta hiểu lầm sự thay đổi ấy có từ đời Hán (10). Thực ra, không phải thế. Đọc lời khảo cứu của Lê Quý Đôn, ta mới thấy rõ: Sự thay đổi ấy mới có từ đời Đường; mà nhất là trong lời văn của Nhan Sư Cổ và Chương Hoài, Thái tử Lý Hiền. Sư Cổ ( tức Nhan Sư Cổ), người sống vào đời Đường có làm chú thích hai bộ Hán thư của Ban Cố đã nói: Chữ“Uyên” là tên húy vua nhà Đường (11), cho nên  Sư Cổ, Chương Hoài đổi làm“Long Biên”)(12). Theo GS. Đào Duy Anh, cho đến thời Tống huyện Long Biên chỉ có thể còn lại miền Từ Sơn, Tiên Du (tỉnh Hà Bắc) ngày nay (13). Như vậy, căn cứ vào việc đổi tên gọi“Long Uyên” thành“Long Biên” trong phần chú thích sách Hán thư của Sư Cổ - Nhà Huấn hỗ học đời Đường là cách thay đổi tên gọi theo lối tỵ húy. Nhưng ở tấm bia xá lỵ này vẫn viết là “Long Biên”(龍編) mà không viết là “Long Uyên”(龍淵). Vì thế đã không phù hợp với cách giải thích của Sư Cổ, Chương Hoài. Dù thay đổi tên gọi, giải thích tên gọi theo kiểu từ nguyên học dân gian theo cách giải thích của sách Thủy Kinh Chú và sách Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm hay cách lý giải của Nhan Sư Cổ, Chương Hoài, Thái tử Lý Hiền hoặc giải thích sự thay đổi tên gọi do kiêng húy thì tên gọi: Long Uyên rồi sau này là Long Biên đều có ý nghĩa riêng của nó…Từ  cuối thế kỷ XIX, qua các khảo cứu của Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo, cho đến đầu thế kỷ XX, qua các khảo cứu của nhà thư tịch học Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, học giả Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời… cho đến nhiều giáo sư, học giả hiện nay chưa đi đến thống nhất về giới hạn địa danh huyện Long Biên. Thậm chí nhà sử học Đặng Xuân Bảng còn cho rằng địa giới huyện Long Biên đến tận Lạng Sơn, vùng Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Gần đây, qua Những phát hiện mới về khảo cổ học cho thấy vào thời Trần tên gọi  huyện Long Biên còn được nhắc đến trên tấm bia“Hưng Phúc tự bi”(興福寺碑) phát hiện ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, ghi vào thời điểm xây dựng ngôi chùa này vào năm 1351 thuộc huyện Long Biên, Xứ Kinh Bắc (14). Long Biên đã từng là đất đai của các huyện Tiên Du, Yên Phong, Gia Lâm và cả Văn Lâm nữa. Như thế địa danh huyện Long Biên trong lịch sử khá phức tạp. Thời Hán, Long Biên là trị sở xứ Giao Châu. Thời Tùy, Đường có lẽ cũng theo như thế. Nơi ấy có vực sâu, thường có  nhiều Cá Sấu chầu bên từng gây ra nỗi kinh hoàng cho người phương Bắc và đã được sử sách ghi lại. Nhưng cho đến mãi thời Trần theo tư liệu bi ký huyện Văn Lâm (Hưng Yên - ngày nay) vẫn thuộc phạm vi huyện Long Biên, xứ Kinh Bắc... Vị trí xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) với xã Trí Quả (Thuận Thành - Bắc Ninh) khá gần nhau về địa lý. Từ tên gọi huyện Long Biên thời Tùy (Qua bài minh tháp chùa Thiền Chúng), cho đến những ghi chép trong sử sách Trung Quốc về huyện Long Biên, về cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần (TK VI), tấm bia thời Trần (TK XIII) đã nhắc đến ở trên…đã cho chúng ta nghĩ đến giới hạn huyện Long Biên rất rộng và có sự thay đổi, diên cách nhiều lần. Qua đó là cơ sở góp thêm bằng chứng cho phép chúng ta nghĩ đến chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên  rất có thể là Huệ Trạch tự (chùa Trí Quả - Thuận Thành, Bắc Ninh) sau này.

Về một số thuật ngữ Phật học và bối cảnh lịch sử ra đời của bài minh tháp.

Trong tấm bia có đề cập đến xá lợi/lỵ. Mọi người đều đã biết, Xá lợi (舍利), tiếng Phạn là “Sarêra”. Nhà sư khi viên tịch, thân xác được thiêu đốt đi, những phần xương còn lại sau khi hỏa táng gọi là xá lợi/lỵ. Nhưng xá lỵ ở đây là xá lỵ của ai, tên là gì. Bài minh tháp không nói rõ. Nhưng có lẽ đây phải là xá lỵ của Phật bởi tháp xá lỵ này được tạo dựng trước tiên là để cầu nguyện cho Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng Thái tử cùng các quần quan nhà Tùy:“Theo ước nguyện của Thái tổ Vũ nguyên Hoàng đế, Nguyên minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử cùng các chư vương, con cháu nội ngoại, các quan viên cho đến thứ dân, Lục đạo, Tam đồ trên cõi đời cùng sống thuận theo lời dạy của đức Phật, nghe được văn pháp mãi mãi ly rời khổ đau, trầm luân, được nhẹ nhàng lên chốn diệu quả”.

Về đối tượng cầu nguyện cũng chính là mục đích dựng bia. Ở đây xuất hiện một số thuật ngữ Phật học. Lục đạo (六道) : Theo nhà Phật, người chết sẽ theo việc làm bình sinh mà chia ra 6 chỗ ở : 1.Thiên đạo; 2. Nhân đạo; 3.A tu la đạo; 4. Quỷ đạo; 5. Súc sinh đạo; 6. Địa ngục đạo (15). Khái niệm Tam đồ (三塗) cũng có sự giải thích khác nhau về thuật ngữ này. Cách giải thích thứ nhất: Ba đường ác nghiệp trong Phật giáo: 1. Địa ngục; 2. Ngạ quỷ (Quỷ đói) và Súc sinh (Thú vật)(16); Cách giải thích khác là: “Ba đường ác (tam ác, tam đồ, tam ác thú, tam ác đạo): Nhà Phật cho rằng những ai khi sống mà phạm vào mười điều ác (Thập ác) thì khi chết sẽ đi vào “ba nẻo dữ”, ba đường ác lụy. Một là đường quỷ đói, (ngạ quỷ đạo), nơi tụ họp của các đường ma quỷ, hình thù xấu xí, dáng mạo dị hợm; tại đây các tội nhân bị đ gánh đập tơi bời, muốn ăn không ăn được, muốn uống không uống được…Hai là đường địa ngục (Địa ngục đạo), nơi các tội nhân bị dày vò bằng đủ cách: Thiêu đốt, cưa xẻ, tra tấn, cùm kẹp…Ba là đường súc sinh (súc sinh đạo), nơi tội nhân phải đầu thai thành súc vật để cho người ta hành hạ, ăn thịt (17). Cách giải thích thứ 2: Tam đồ (Ba đường): Đường lửa (hỏa đồ) ở địa ngục lửa cháy; đường máu (huyết đồ) nơi súc sinh ăn thịt lẫn nhau; đường gươm đao (đao đồ) nơi quỷ đói bị gươm đao bức bách. Trong Bài tựa sách Thiền uyển tập anh có đoạn: “…Thế là Phật giáo được thi hành rộng khắp, thiền tông nối tiếp. Gió đưa hơi thanh mát cho Sáu đạo, tuyết vùi lửa bỏng cháy ở Ba đường. Bí quyết thành Phật, thành Tổ cũng từ đây mở mối (18). Xuất phát từ ý nghĩa đó mà người ta thường gọi là “Ba đường sáu nẻo luân hồi”.
           
Vậy bối cảnh ra đời của bài minh tháp xá lỵ thời Tùy Nhân Thọ (601) trên  như thế nào?.

Trước tiên cần hiểu được tông phái của dòng thiền này qua các vị thiền sư xuất hiện trong thời điểm đó. Trên đây chúng tôi đã thống kê những vị Thiền sư trụ trì đầu tiên gắn với tên gọi chùa Thiền Chúng là Pháp Hiền. Pháp Hiền là học trò của Tỳ Ni Đa Lưu Chi (? – 594). Tỳ Ni Đa Lưu Chi là học trò của Tăng Sán (Người Trung Quốc). Mục truyện về Tỳ Ni Đa Lưu Chi trong sách Thiền uyển tập anh cho biết: Ông trụ trì chùa Pháp Vân, hương Cổ Châu, huyện Long Biên. Thiền sư người nước Thiên Trúc (Ấn Độ), dòng dõi Bà la môn, năm Giáp Ngọ (574) ông lần đầu tiên đến kinh đô Tràng An. Gặp lúc Chu Vũ đế tàn sát Phật giáo ông đi về đất Nghiệp (Hồ Nam). Hồi đó, tổ thứ 3 (của Thiền tông Trung Hoa) là Tăng Xán lánh lạn đến ở ẩn ở núi Tư Không rồi theo lời khuyên của Tăng Xán: “Ngươi mau về phương nam tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở đây lâu”. Trong khoảng 6 năm (574- 580) ông dịch xong bộ kinh Tượng đầu, Báo  nghiệp sai biệt. Tháng 3 năm Canh Tý (580) sang nước ta, trụ trì chùa Pháp Vân (nay là chùa Dâu – Thuận Thành, Bắc Ninh), dịch thêm kinh Tổng Trì. Một đoạn khác viết: Vả lại tổ ta là Tăng Xán truyền tâm ấn ấy cho ta, để ta mau đi về phương nam để giao tiếp với thiên hạ, không nên ở lâu tại đó. Trải từ bấy đến nay với người gặp gỡ, quả là ứng hợp với lời huyền ký. Người phải khéo giữ gìn. Đã đến lúc ta phải đi rồi. Nói xong sư chắp tay mà qua đời. Pháp Hiền làm lễ hỏa táng, thu xá lỵ năm sắc rồi dựng tháp phụng thờ. Bấy giờ là năm Giáp Tý niên hiệu Tùy Khai Hoàng thứ 14 (594).(19).

Như vậy, Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch tại chùa  Pháp Vân (Chùa Dâu- Diên Ứng tự) năm 594 và đã được Thiền sư Pháp Hiền dựng Tháp tại chùa ở đó. Như vậy, tháp xá lỵ của Tỳ Ni Đa Lưu Chi được tạo dựng trước “Xá lợi tháp minh”(năm 601) là 7 năm. Sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch diệt, Pháp Hiền đến núi Thiên Phúc, Thiền uyển tập anh cho biết: Nhà sư tu tập thiền định, quên hết cả vật lẫn bản thân mình, chim rừng bay đến vây quanh, dã thú đùa rỡn. Người đương thời hâm mộ danh tiếng, đến học đạo với sư đông không kể xiết. Nhân đó sư dựng chùa Chúng Thiền (có lẽ là Thiền Chúng – N.Q.H) nhận tuyển dạy học trò. Tăng đồ đến lưu học tại chùa có khi đông đến hơn ba trăm người. Dòng thiền nam phương hưng thịnh từ đó. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao Tổ từ lâu đã nghe tiếng người nước Nam này sùng chuộng đạo Phật, đã có các bậc cao tăng đức vọng, bèn sai sứ đem xá lỵ Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng dàng. Sư bèn chia xá lỵ cho chùa Pháp Vân ở Luy Lâu và các chùa ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái để dựng tháp thờ (20). Cho đến ngày nay, ở các vùng Phong Châu (Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh), Trường Châu (Ninh Bình), Ái Châu (Thanh Hóa) chưa tìm thấy các tháp xá lỵ thời Tùy như đã tìm thấy ở chùa Thiền Chúng.Thời nhà Tùy tồn tại ngắn ngủi, sử sách viết về xứ Giao Châu cũng không nhiều. Đại Việt sử ký toàn thư ghi về sự kiện năm Tùy Văn Đế Duy Kiến, niên hiệu Nhân Thọ thứ nhất (601) như sau: “Dương Tố nhà Tùy tiến cử Thái sử Qua Châu là Lưu Phương người Tràng An có tài thao lược làm tướng. Vua Tùy xuống chiếu lấy Tố làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản, thống lĩnh 27 doanh quân sang xâm chiếm. Quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém. Nhưng Phương tính nhân ái, binh sĩ người nào ốm đau đều thân đến thăm viếng nuôi dưỡng quân lính ai lấy đều mến đức sợ uy (21).

Qua mục tiểu truyện các vị Thiền sư, cao tăng cùng các tăng đồ đến theo học, cho ta biết phương pháp tu luyện đó là phép thiền định, lấy sự tĩnh lặng làm căn bản. Tên gọi “Thiền Chúng”((禪衆)ở đây có thể được hiểu là: “Tứ chúng đồng tu thiền” (四衆同修禪). “Tứ chúng” bao gồm: Tăng, ni, cư sĩ, phật tử. Nhưng khi đó, các nhà sư  chùa Thiền Chúng không chỉ có tu thiền mà còn có sự kết hợp giữa thiền với Đạo giáo: Thiền sư kiêm Pháp sư. Sở dĩ chúng ta biết điều này bởi phần cuối bài minh viết: “Sắc sử Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi tống xá lỵ ư thử tạo tháp”(勅使大德慧雅法師吏部羽騎慰姜微送舍利於此造塔.(Sắc sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi đem xá lỵ tạo tháp ở đây). Ở trên đã nói, năm 580, tại chùa Dâu,Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch xong kinh Tổng Trì. Tổng trì tức là  bí mật giáo, mật tông (tantrisme).Từ rất sơm, Phật giáo Thiền tông vùng này đã chịu ảnh hưởng của mật tông. Qua bài tháp minh còn cho chúng ta biết thêm, vào thời Tùy, ở chùa Thiền Chúng – Bên cạnh thiền sư Pháp Hiền còn có thêm một vị cao tăng sống cùng thời: Đại đức Tuệ Nhã pháp sư mà sách Thiền uyển tập anh không ghi chép.

Chùa Dâu thời Bắc thuộc - Trung tâm Phật giáo Giao Châu giữ vị trí rất quan trọng. Nhưng những tư liệu gốc (tư liệu đương thời) phản ánh về lịch sử  Phật giáo ở vùng này thật ít ỏi. Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử ký toàn thư…và một số tư liệu thư tịch Trung Hoa chỉ ghi lại vài dòng ngắn ngủi nên chúng ta không biết được nhiều hơn về các vấn đề Kinh tế, chính trị, văn hóa… thời đó như thế nào. Trước đây, khi viết về Lịch sử chùa Dâu đặc biệt là thời Bắc thuộc, tôi vẫn mong có nhiều cuộc khảo cổ học tương đối quy mô để thêm những phát hiện mới mong lấp đầy khoảng trống trong nhận thức lịch sử. Tấm bia tháp xá lợi phát hiện ngẫu nhiên nhưng đã đem đến cho chúng ta nhiều hứng thú. Bài minh tuy ngắn ngủi nhưng đã cung cấp một số thông tin thú vị. Tuy nhiên, nội dung tấm bia đặc biệt là qua nghiên cứu địa danh chùa Thiền Chúng, tên gọi huyện Long Biên… đã không ngăn được những phân vân về nên đại của chúng. Liệu tấm bia đó có được khắc ngay năm Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên (601) hay mãi sau này mới khắc theo một văn bản bằng chất liệu nào đó có sẵn để lại?. Dù vậy, qua nội dung bài minh tháp xá lợi đã giúp cho người đọc có thể hình dung được phần nào về lịch sử hình thành chùa Thiền Chúng (Huệ Trạch tự ?) cũng như về tông phái Phật giáo vùng Dâu, Long Biên, Giao Châu.
N.Q.H

Chú Thích
(1). Nhân đây chúng tôi xin được cảm ơn đến ông Nguyễn Đình Nhân, thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã cung cấp cho chúng tôi bản dập thác bản  bài minh văn này.
(2) Bản dập thác bản văn bia số kí hiệu 20945, thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, trong Tổng tập thác bản Hán Nôm Việt Nam, Tập 21. Bản gốc tấm bia này được lưu giữ tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Theo PGS Trần Nghĩa, bài văn bia này có đến 6 dị bản được sao chép lại  vào các năm 1731, 1842, 1962, bản sao lục lại thác bản năm 1931(VHv. 2369), bản in trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập I từ Bắc thuộc đến thời Lý, Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Paris - Hà Nội, 1998, tr 7- 9; Cũng xem Trần Nghĩa/ Tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (phần I), Nxb Thế giới, 2000, tr  262- 271.
(3) Xem Trần Nghĩa/ Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (Phần II), Nxb Thế giới, tr 358- 361); Thiền uyển tập anh,(Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Ngô Đức Thọ giới thiệu, Phân viện nghiên cứu Phật học, Nxb Văn học- 1990, tr 177).
(4) Thiền uyển tập anh , đd, tr 174.
 (5) Sách Thiền uyển tập anh có lẽ viết nhầm thành “Chúng Thiền” (衆禪), núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du). (Thiền uyển tập anh, đd, tr 169).
(6)Thuyền uyển tập anh, đd tr 212
(7) Long Uyên (có nghĩa là: Giao long ở dưới vực/sông sâu), Long Biên (Giao Long ở bên vực/sông sâu).
(8) Viết về cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần có bài của GS Hà Văn Tấn /Viên gạch có chữ trong ngôi mộ thời Nam Tề và cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần, NPHMVKCH, 2001, tr 711,712,713.
(9) Lê Quý Đôn/ Vân đài loại ngữ (Trần Văn Giáp biên dịch và khảo cứu, Trần Văn Khang làm sách dẫn; Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu), Tập I, NXB Văn Học, 1962, tr 151.
(10) Đường Cao Tổ họ Lý tên là Uyên, tự là Thúc Đức, người Lũng Tây.
(11) Lê Quý Đôn/ Vân đài loại ngữ, đd tr 152,153
 (12) Đào Duy Anh/ Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb văn hóa Thông tin, 2005, tr 86)
(13) Xem Phạm Thùy Vinh/Văn bia thời Trần chùa Hưng Phúc và địa danh hành chính huyện Long Biên, Những phát hiện mới về Khảo cổ học (NPHMVKCH), 2003, tr 553,554.
(14) Theo Đào Duy Anh/ Hán Việt từ điển, Quyển Thượng, N xb Khxh, 1996, đ d, tr 523).
(15) Đào Duy Anh/ Hán Việt từ điển,Q Hạ, đd tr, 226
(16) Cách giải thích trong tác phẩm “Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chứ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, đd, trong “Sáu bức thư tranh luận về Đạo Phật” phần chú giải cũng thống nhất với cách giải thích trong Hán Việt từ điển của GS. Đào Duy Anh.
(17) Xem chú thích thứ 20 bài Đáp Lý Giao châu thư, đd tr 257.
(18) Thiền uyển tập anh, đd, tr 165, 166, 167.
(19) Thiền uyển tập anh, đd, tr 169, 170.
(20). Thiền uyển tập anh/Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích) Ngô Đức Thọ giới thiệu, Phận viện Nghiên cứu Phật học, NXB Văn học, H, 1990, tr 24.
(21) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb Khxh, H, 1998, Ngoại kỷ, Q IV, tờ 22a, Bd, tr 186
 

[1] Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội; ĐT: 0984. 871. 786


3 nhận xét :

  1. Xin làm ơn coi chừng Bọn Trộm, đừng viết về cổ vật nếu không trộm nó sẽ việng, thi` con cháu sẽ không có cơ hội nhìn thấy vật quy' cố niên đại.

    Trả lờiXóa
  2. Hôm qua hôm kia đi làm mà tôi cứ móc điện thoại ra đọc đi đọc lại mấy bài về việc phát hiện tấm bia quí giá này. Đọc các tài liệu Hán Nôm thì... khổ lắm, vì nhiều từ cổ và từ chuyên môn quá. Có những đoạn phải đọc 5, 6 lần mới hiểu!

    Vui thật là vui! Nhưng lại thoáng buồn. Từ ngày đất nước thống nhất, 1975, dù còn trẻ con lắm nhưng một trong những hy vọng tràn trề nhất của tôi là các nhà văn hóa học, các nhà khảo cổ học... sẽ có điều kiện thuận lợi để tìm kiếm, khai quật những dấu tích của tổ tiên - cái điều kiện đã mòn mỏi chờ mong suốt hàng chục, hàng trăm năm đầy can qua khói lửa!

    Tôi mơ một "Viện Viễn Đông Bác Cổ mới" sẽ ra đời, nỗ lực tìm kiếm không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn kết hợp với các nhà chuyên môn ở Trung Hoa, ở các nước Đông Dương cũ, ở toàn Đông Nam Á... Tôi mơ thế hệ Việt hôm nay hăng hái dồn những nỗ lực lớn nhất của quốc gia vào việc tìm lại cội nguồn tiên tổ cùng ký ức ngàn năm quí báu của dân tộc mình...

    Hơn 30 năm trôi qua rồi mà chúng ta chưa tiến được bao nhiêu cả! Những bí ẩn xa xưa của nguồn cội dân ta vẫn nằm im đâu đó dưới lòng đất!!!

    Ôi, nhưng tôi cảm thấy được an ủi khi nghĩ rằng, không phải chỉ con cháu vất vả đi tìm đâu, mà chính hồn thiêng tiên tổ cũng đang nóng lòng lên tiếng, nóng lòng vén màn quá khứ cho đoàn con Việt vốn trải nếm quá nhiều đau thương này.

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ bạn Ha Le " nhớ nước đau lòng con quốc quốc ,
    thương nhà mỏi miệng cái gia gia ". ( Bà Huyện Thanh Quan )
    Dân tộc VN, đất nước VN, con người VN , vẫn còn mải mê đi tìm cái hồn nước . Hồn nước nằm dưới lòng đất, ở những di tích đã, đang và chưa được khai quật, nằm ở trong nhiêu hài cốt của những người đã năm xuống vì chiến tranh ở cả hai miền đất nước và ở hai nước Đông Dương mà hiên vẫn chưa tìm thấy hết .
    Có những bậc cha mẹ VN chết chôn ở miền Bắc VN, con cái di cư vào Nam năm 1954, nay lại ở Mỹ . Khi đất nước mở cửa, con cái tìm về quê cha đất tổ xây lại mồ mả cho ông bà. Có người không xây mồ mả lại gom hài cốt ông bà đem vào Nam, tập trung lại ở chung nghĩa địa với con cháu. Có người lại gói ghém chút hài cốt của tổ tiên đem sang Mỹ, để thờ trong nhà mà nhớ đến nguồn cội . Lại có người VN đang ở nước ngoài, để lại di chúc khi chết được chôn hay gửi hài cốt ở VN.
    Bây giờ lại có những người phụ nữ Việt làm dâu TQ, Hàn quốc, Đài Loan, và nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Châu Phi . Khi chết hài cốt sẽ ở đâu ? Và chắc cũng hướng về tổ quốc ! Cái hồn nước VN không còn mờ mờ nhân ảnh mà đang tạo hình hài chỗ đậm chỗ lạt trên hầu hết những phần của thế giới, chứ đâu cứ gì những bia đá ngàn năm kia bây giờ mới được đánh thức !

    Trả lờiXóa